“Khát” kỹ sư bảo hộ lao động
Ông Trần Quang Hưng - Giám đốc an toàn, môi trường sức khỏe và phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty TNHH Bosch Việt Nam - đã có những chia sẻ trăn trở về nhân lực trong lĩnh vực an toàn lao động tại Hội thảo chuyên đề nghiên cứu ứng dụng lần 2, do Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.
Theo ông Hưng, Việt Nam đã có Luật an toàn vệ sinh lao động 2015. Quy định chi tiết tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP, các doanh nghiệp thi công công trình xây dựng từ 50 lao động trở lên và các lĩnh vực ngành nghề khác từ 300 lao động trở lên, phải bố trí ít nhất 1 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách.
Thế nhưng, nhu cầu nhân sự rất cao nhưng lại khó kiếm. Tại công ty của ông, các bộ phận phải phỏng vấn rất nhiều ứng viên và thời gian trên 6 tháng mới có thể tìm được người phù hợp cho vị trí này. Cần là vậy nhưng tại các trường đang đào tạo ngành học này lại khó tuyển sinh. Nguyên nhân do hạn chế về giảng viên cũng như nhu cầu học từ người học không cao.
“Nhiều công ty, doanh nghiệp cần ít nhất 1 vị trí phụ trách về an toàn và vệ sinh lao động. Kỹ sư bảo hộ lao động khi tốt nghiệp chính quy có thể làm người phụ trách về quản lý an toàn vệ sinh lao động tại rất nhiều lĩnh vực như nhà máy, công trường, văn phòng hay các nhãn hàng. Với kiến thức họ được học và trang bị tại trường có thể phụ trách được cả quản lý chất lượng, kỹ sư quy trình, quản lý phát triển bền vững tại doanh nghiệp. Do vậy, đây là một trong những ngành học tiềm năng và rất quan trọng” - ông Trần Quang Hưng bày tỏ.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Thành Trung - Trưởng bộ môn Bảo hộ lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng - nhận định, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ, liên tục thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Đây là những đơn vị có ý thức tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động rất tốt vì chịu nhiều ràng buộc về tiêu chuẩn quốc tế của tập đoàn, đơn hàng ở quốc gia sở tại. Để nắm bắt cơ hội hội nhập, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích nghi và tạo ra văn hóa an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, sức khỏe và môi trường. Do đó, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn.
“Khái niệm phát triển bền vững không còn xa lạ ở Việt Nam, ngành nghề bảo hộ lao động gần như không có sự đào thải. Tuổi thọ của kỹ sư bảo hộ lao động là bền vững theo doanh nghiệp, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ an toàn, sức khỏe người lao động và chất lượng môi trường” - ông Trung nói.
Thiếu nhưng khó tuyển sinh
Chỉ ra nguyên nhân xã hội đang thiếu nhân lực nhưng các trường vẫn khó tuyển sinh, TS Hồ Ngô Anh Đào - phụ trách Khoa Môi trường và Bảo hộ Lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng - cho biết, ngành học này hiện chưa có sự nhận diện xã hội. Nếu những ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính ngân hàng… đã có vị trí cao thì bảo hộ lao động lại chưa có được vị trí xứng đáng. Tên ngành khá xa lạ, phụ huynh và học sinh còn thiếu thông tin về ngành, cơ hội việc làm....
Cùng với đó, TS Đào cho hay, hiện chưa có nhiều trường đào tạo về ngành học này nên hiệu ứng truyền thông chưa rộng lớn, các đơn vị mới chỉ dừng lại ở phạm vi truyền thông riêng lẻ, chưa đạt được hiệu ứng truyền thông rộng lớn để tác động mạnh mẽ đến cộng đồng.
Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện của nhiều phía. Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường học… phải có sự liên kết, phản hồi thông tin, thông qua việc phối hợp tổ chức các diễn đàn, đối thoại… nêu cao vai trò và tầm quan trọng của công tác an toàn lao động. Cơ sở đào tạo cần một số hỗ trợ cụ thể về truyền thông, học phí hoặc các quỹ để đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học; thể hiện rõ hơn yêu cầu của luật về nhân sự làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp.
Theo nguồn: Báo lao động http://laodong.vn